Ngày 24/ 02/ 02/ 2023, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đã tổ chức tọa đàm về chủ đề “Khơi thông cơ chế thị trường- tiếp sức hàng không Việt”. Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu khoa học và tư vấn, các doanh nghiệp hàng không và các ngành có liên quan cũng như các chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, tài chính, kỹ thuật- công nghệ, các chuyên gia hoạch định chính sách, …
Toàn cảnh cuộc tọa đàm
Các đại biểu tham gia tọa đàm đã điểm lại hoạt động của ngành hàng không dân dụng Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid 19 từ năm 2020, sự phục hồi và phát triển trở lại năm 2022, những khó khăn, thách thức cũng như những cơ hội phát triển trong giai đoạn 2023- 2025. Các đại biểu đã đi sâu phân tích các nhân tố tác động tới sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là biến động của thị trường, cơ chế chính sách của nhà nước, đặc biệt là cơ chế quản lý giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không.
TS. Trần Thọ Đạt đã nêu những đặc điểm của giá dịch vụ vận chuyển hàng không và của việc quản lý nó, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải quán triệt những nguyên tắc của cơ chế thị trường trong định giá và quản lý giá, quán triệt những đặc điểm của sự hình thành và biến động giá của lĩnh vực hàng không ở Việt Nam. GS cũng cho biết ở hầu hết các nước trên thế giới đã bãi bỏ việc quy định giá trần và giá sàn của dịch vụ vận chuyển hàng không. Ông Lương Hoài Nam nhìn nhận quan hệ giữa chính sách giá và sức khỏe tài chính của các hãng hàng không, những chủ thể cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không. Vị chuyên gia này cho rằng có nhiều nguyên nhân rất cơ bản khiến Nhà nước cần bãi bỏ các quy định về giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hàng không và nhìn nhận sự khống chế giá trần đã ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe tài chính của doanh nghiệp vận chuyển hàng không bởi giá các yếu tố đầu vào cho dịch vụ vận chuyển hàng không đều tăng lên rất nhanh, trong khi giá trần hiện nay- vốn đã bất hợp lý- đã kéo dài nhiều năm mà không được đầu chỉnh. Thực tế thế giới cũng cho thấy rằng hiện không có nước nào trên thế giới còn có quy định về giá trần- ngoại trừ Trung Quốc là nước vận chuyển hàng không dân dụng hoàn toàn do Nhà nước đảm nhận. Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cảnh báo các hãng hàng không không được thỏa thuận với nhau về giá dịch vụ bởi như vậy là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật và sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc, trong đó các khoản phạt rất nặng chỉ là một trong nhiều chế tài.
Cả các chuyên gia lẫn các doanh nghiệp vận tải hàng không đều nêu những bất lợi do việc quy định giá trần vận chuyển hàng không, đặc biệt là sự chậm trễ trong điều chỉnh giá trần khi chi phí đầu vào cho dịch vụ hàng không biến động nhanh và khó dự đoán và tác động hạn chế sự chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Những tác động trên không chỉ làm lỡ cơ hội kinh doanh và gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mà còn hạn chế sự phát triển của thị trường vận chuyển hàng không. Trong tham luận trình bày kết quả nghiên cứu của mình về việc định giá dịch vụ vận chuyển hàng không thương mại, TS. Nguyễn Thị Nhung và ThS. Nguyễn Phương Linh (Học viện Tài chính) đã chỉ ra rằng trong điều kiện cạnh tranh tự do, người tiêu dùng có ảnh hưởng quan trọng tới việc doanh nghiệp định giá theo cơ chế thị trường. Tổng Giám đốc của Bamboo Airways, ông Nguyễn Mạnh Quân, cũng khẳng định rằng việc bỏ quy định về giá trần chắc chắn không gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng vì các hãng hàng không sẽ không làm khách hàng quay lưng lại với chính mình.
Không chỉ đại diện các hãng hàng không mà các nhà cung cấp đầu vào cho những doanh nghiệp này cũng mong mỏi Nhà nước bỏ những quy định về giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hàng không. Ông Lương Hồ Anh, đại diện từ Petrolimex Aviation trình bày số liệu về giá dầu và giá xăng máy bay trên thị trường thế giới, đặc biệt là sự gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, khiến chi phí cho xăng máy bay trong nước đã tăng rất cao. Tuy nhiên, với mức giá trần dịch vụ vận chuyển hàng không đã được cố định, Công ty không thể tăng giá bán cho các hãng hàng không tương ứng với mức tăng giá xăng đầu vào. Điều này có thể dẫn tới tình trạng hoạt động nhập khẩu xăng dầu hàng không khó có thể được duy trì lâu dài. Chuyên gia Cấn Văn Lực đồng tình với ý kiến cho rằng cần bỏ quy định về giá trần cho dịch vụ vận chuyển hàng không. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng việc bỏ quy định về giá trần cần gắn với một số điều kiện: đảm bảo sự minh bạch về giá, phân biệt các dịch vụ vận chuyển hàng không và nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng không để tương ứng với giá dịch vụ. Cùng quan điểm với các diễn giả đã trình bày, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng không nên chỉ nhìn nhận việc bỏ quy định về giá trần xuất phát từ yêu cầu để nâng cao quyền chủ động và tính linh hoạt trong kinh doanh của doanh nghiệp, mà phải nhìn nhận việc này như một trong những nội dung cụ thể của việc đổi mới thể chế, đổi mới cơ chế, quán triệt triệt để hơn các nguyên tắc của kinh tế thị trường trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi các doanh nghiệp hàng không tham dự vào các quá trình hội nhập quốc tế hết sức sâu sắc. Vị chuyên gia này cho rằng sẽ là thừa nếu lo lắng rằng khi bỏ quy định về giá trần có thể khiến các doanh nghiệp hàng không tùy tiện tăng giá, bởi lẽ nếu doanh nghiệp làm như vậy là tự sát vì giá tăng sẽ làm giảm cầu, doanh nghiệp nào giảm giá trước sẽ bị khách hàng quay lưng lại trước. Bổ sung thêm, TS. Dương Mạnh Cường, Đại học Mỹ tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng cần nhìn nhận vấn đề quản lý giá một cách tổng thể, không chỉ là giá dịch vụ vận chuyển hàng không, mà phải xem xét toàn diện cả các chi phí khác mà khách hàng phải trả để được hưởng dịch vụ này cũng như việc phân bổ, sử dụng chúng ra sao để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan.
Tại cuộc tọa đàm, đại diện của cả các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, tư vấn cũng như các chuyên gia độc lập đều cho rằng cần sớm sửa đổi các quy định của các bộ luật có liên quan theo hướng bỏ việc quy định về giá trần (và đương nhiên, cả giá sàn) đối với dịch vụ vận chuyển hàng không (và các sản phẩm phi độc quyền nói chung). Trong khi chờ đợi Quốc hội quyết định, Chính phủ cần sửa đổi ngay giá trần cho dịch vụ vận chuyển hàng không theo quy định hiện hành.
Viện Kinh tế- xã hội và công nghệ đã tích cực hỗ trợ về mặt chuyên môn và tổ chức cho buổi tọa đàm.
Các đại biểu từ Viện Kinh tế- Xã hội và Công nghệ, Học viện Tài chính và Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam tại cuộc tọa đàm
Bài và ảnh: Vũ Thận
© 2020 Lift Media. all rights reserved.