Hội thảo kỹ thuật “Xu hướng thương mại điện tử trên thế giới và hàm ý cho thương mại EU – Việt Nam”

Kinh tế thế giới | 29/10/2024

Ngày 17/ 10/ 2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng với Viện KAS Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm kỹ thuật về chủ đề “Xu hướng thương mại điện tử trên thế giới và hàm ý cho thương mại EU- Việt Nam”. Các ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (IDS) và ông Florian Constantin Feyerabend, trưởng đại diện KAS Việt Nam đã phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo. Các báo cáo chính của 2 nhóm chuyên gia được trình bày bởi TS. Trần Thị Thu Hà, Ban Kinh tế, Viện Chiến lược phát triển và TS. Sita Zimpel, Trưởng nhóm Hội nhập kinh tế khu vực ASEAN (REI) thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Đức (GIZ).

Các báo cáo khai mạc và đề dẫn đã điểm qua tình hình phát triển của thương mại điện tử trên thế giới, xu hướng phát triển của loại hình kinh doanh này và sự cần thiết phải đẩy mạnh thương mại điện tử ở Việt Nam. TS. Nguyễn Quốc Anh đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thương mại điện tử giữa EU và Việt Nam, nhấn mạnh rằng sự phát triển của khu vực này đang nằm dưới mức tiềm năng rất nhiều, trong khi cả Chính phủ Việt Nam lẫn các chính phủ EU đều mong muốn phát triển nó mạnh mẽ hơn nữa.

Toàn cảnh hội thảo “Xu hướng thương mại điện tử trên thế giới và hàm ý cho thương mại EU- Việt Nam”

Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc IDS đã tập trung trình bày bức tranh tổng thể về thực trạng hoạt động thương mại điện tử EU- Việt Nam hiện nay cùng với những khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Nhóm nghiên cứu cũng công bố kết quả khảo sát về các nhân tố tác động tới thương mại điện tử EU- Việt Nam, những yếu tố thành công của lĩnh vực kinh doanh này và tiềm năng phát triển thương mại điện tử giữa EU- Việt Nam trong giai đoạn tới. Nhóm nghiên cứu cũng trình bày kết quả phân tích chính sách của Việt Nam cũng như của EU đối với thương mại điện tử EU- Việt Nam. Những đề xuất chính sách mà nhóm nghiên cứu đưa ra tập trung vào những hỗ trợ của Nhà nước cho các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử EU- Việt Nam của các doanh nghiệp, vào việc hoàn thiện khung thể chế cho các hoạt động thương mại điện tử cũng như thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử cũng như kinh doanh xuất- nhập khẩu nói chung, đặc biệt là hệ thống logistics của Việt Nam và hoạt động của chúng.

Nhóm nghiên cứu REI tập trung phân tích những xu hướng phát triển của thương mại điện tử toàn cầu và cơ hội để phát triển thương mại điện tử EU- Việt Nam cũng như chính sách của EU đối với thương mại điện tử giữa khối này với Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh những yêu cầu của EU về tuân thủ các quy định về đạo đức kinh doanh, các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ người tiêu dùng cũng như những yêu cầu về tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý rằng kinh doanh ở EU đòi hỏi không chỉ tuân thủ các quy định của EU với tư cách là một cộng đồng các quốc gia, mà còn phải tuân thủ cả những quy định riêng của từng quốc gia EU mà doanh nghiệp hướng tới. Bà Zimpel đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu sâu hơn về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng ở EU, những nền tảng kinh doanh thương mại điện tử mà họ ưa thích để có những giải pháp triển khai những hoạt động của mình.

Trong phần tọa đàm, các đại biểu dự hội thảo đã phát biểu làm rõ thêm chính sách của Nhà nước Việt Nam, những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi triển khai các hoạt động thương mại điện tử với EU, …. Đại diện sàn thương mại điện tử amazon.com đánh giá thương mại điện tử Việt Nam có sự phát triển rất nhanh, rất đáng khích lệ và cho biết tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với thị trường quốc tế, đặc biệt là giới thiệu các nhà cung cấp dịch vụ cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam triển khai thương mại điện tử tốt hơn. Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng hạ tầng số của Việt Nam đã có sự cải thiện rất quan trọng trong thời gian qua, tạo ra điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng các hoạt động thương mại điện tử. Hành vi số ở Việt Nam có sự biến động rất nhanh và mạnh, trong khi các hoạt động thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam ổn định hơn rất nhiều. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn rộng hơn, đẩy mạnh các hoạt động số, đa dạng hóa các nội dung số chứ không chỉ nhìn nhận thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn có những điểm cần làm rõ từ khái niệm cho tới chính sách có liên quan tới thương mại điện tử, từ các khái niệm thương mại điện tử, thỏa thuận thương mại, tài sản số, tài sản vô hình, phân chia các công đoạn giao dịch điện tử, chứng nhận tin cậy quốc gia và chứng nhận tin cậy đối tượng… để các quy định pháp lý có căn cứ và bám sát đì hỏi thực tế hơn. Việc hình thành những trung gian làm cầu nối để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử cũng được các đại biểu tham dự hội thảo đề cập như một giải pháp quan trọng trong giai đoạn tới.

       Bài và ảnh: Vũ Thận

 

Chia sẻ facebook message twitter
4.5 2 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x